Bài viết này sẽ sơ lược tất cả các loại sữa dành cho trẻ em để các bà mẹ chúng ta có cái nhìn khái quát về thị trường sữa cho con từ đó bản thân mỗi người đưa ra quyết định loại sữa nào phù hợp với con và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tôi xin chia bài viết thành các phần :
I. Sữa dành cho trẻ 0 tháng đến 1 tuổi.
II. Sữa dành cho trẻ trên 1 tuổi.
III. Sữa dành cho trẻ biếng ăn, bị bệnh mới dậy.
Cùng đi vào bài viết chi tiết nào :
I. Sữa dành cho trẻ dưới 0 tháng đến 1 tuổi. : (còn gọi là sữa công thức).
Phân tích các vấn đề khi mua sữa của các bà mẹ :
Vấn đề lớn nhất mà các bà mẹ chúng ta luôn quan tâm hiện nay là vấn đề tỷ lệ đạm trong sữa phải chăng có bắt buộc hàm lượng tỷ lệ đạm là 34% hay không?
> Theo như mình đã nghiên cứu rất nhiều các bài viết ở nước ngoài cũng như trong nước thì đây là nhận định nhầm lẫn. Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) với sữa bột công thức cho nhóm trẻ 0-12 tháng, tỉ lệ đạm dao động 11-18% là đạt.
Còn nhận định hàm lượng 34% chỉ dành cho : sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật.
Cho nên các bà mẹ yên tâm quy chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và thực phẩm chức năng (bao gồm cả nhóm thực phẩm bổ sung).
Vấn đề thứ 2 các bà mẹ chúng ta cũng nên lưu ý và hiểu cho đúng về tỷ lệ đạm trong sữa bột công thức là như thế nào nhé!
Như chúng ta đã biết và các nhà khoa học đã chứng minh, sữa mẹ là loại sữa tốt nhất, phù hợp nhất cho trẻ nhỏ, thiên nhiên đã dành riêng để con người bảo tồn nòi giống.
Mọi loại sữa động vật khác đều có thành phần khác với sữa mẹ và do đó có thể không phù hợp với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, do đó khi sử dụng các loại sữa này cho trẻ sơ sinh đều phải thận trọng do bộ tiêu hóa của trẻ còn non yếu
Đối với trẻ lớn hơn và người lớn thì sữa có thể được hấp thu như mọi loại thực phẩm khác nên không có khuyến cáo (trừ các trường hợp đặc biệt như dị ứng, không dung nạp). Các loại sữa công thức hầu hết được chế biến từ sữa bò, chủ yếu do loại sữa này rất phổ biến và có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tỉ lệ dung nạp tốt.
Tuy nhiên, sữa động vật có nhiều protein hơn sữa mẹ và chúng không thích hợp cho hai thận còn non nớt của trẻ. Các công thức sữa được nghiên cứu và tạo ra bằng cách điều chỉnh các thành phần của sữa bò như carbohydrate, protein, tỉ lệ chất béo…, sao cho giống với sữa mẹ nhất.
Nên cho bé dùng sữa mẹ hết 12 tháng tuổi.
Có một thông tin không nhiều người biết đó là, đạm sữa (protein sữa) luôn gồm 2 thành phần là đạm whey và đạm casein, trong đó đạm whey có đặc tính dễ hòa tan trong nước hơn, dễ tiêu hóa hơn, dễ dàng đi vào cơ thể để cung cấp những axit amin thiết yếu nhằm nuôi dưỡng, phát triển, kích thích sự tổng hợp protein trong xây dựng cơ bắp.
Ngược lại, đạm casein là một nguồn protein tiêu hóa rất chậm, khi hấp thụ, casein sẽ vón cục trong dạ dày, làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày, tác động đến tốc độ mà các axit amin được hấp thụ vào máu, do đó casein có vai trò duy trì cơ bắp.
Cả whey và casein đều có vai trò nhất định đối với sự phát triển cơ bắp. Trong sữa bò, casein chiếm 80% và whey chiếm xấp xỉ 20%, tỉ lệ này không thích hợp với trẻ sơ sinh, do đó sữa công thức giai đoạn 1 bắt buộc phải có tỉ lệ casein:whey là 40:60 – tương đương với sữa mẹ
Trẻ em dưới 12 tháng tuổi được khuyến cáo sử dụng loại sữa có tỉ lệ này vì nó giúp tiêu hóa tốt hơn. Hàm lượng casein cao có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ nhỏ.
Vấn đề thứ ba là chọn sữa bột cho bé theo từng độ tuổi.
Như đã phân tích ở trên, sữa mẹ là sữa phù hợp nhất với trẻ em, do đó các bà mẹ sắp hoặc mới sinh con nên cố gắng cho con bú trong 2 năm đầu, hoặc ít nhất là 6 tháng đầu.
Trong trường hợp không thể cho con bú, hãy chọn mua loại sữa giai đoạn 1 tốt (theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ, sữa NAN được cho là mát, dễ tiêu hóa, sữa Abbott có nhiều phản ánh là nóng, trẻ hay bị táo bón), chú ý tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về pha sữa để bảo vệ bộ máy tiêu hóa của trẻ.
Xem kỹ hạn dùng, chỉ dùng nước để pha (nước đun sôi để nguội bớt), không được dùng nước sôi hoặc đun sôi sữa vì sẽ làm mất hoặc hao hụt các vitamin và khoáng chất có trong sữa. Về mặt dinh dưỡng, con bạn chỉ cần dùng sữa giai đoạn 1, mặc dù bạn có thể quyết định cho con chuyển sang dùng sữa giai đoạn 2
Lưu ý là, việc chuyển đổi sữa quá sớm hoặc đột ngột có thể khiến trẻ bị táo bón. Đối với bé 6-12 tháng, ngoài các bữa ăn bổ sung như bột, cháo xay, bé vẫn cần phải uống thêm 500 - 600ml sữa/ngày, chia làm 3-4 bữa tùy theo mức độ uống của bé.
Bạn có thể chuyển sang dùng sữa công thức loại II (sữa tiếp theo, follow-up milk), hoặc tiếp tục sử dụng sữa giai đoạn 1 cho đến khi bé lớn hơn một chút, không nhất thiết đúng 6 tháng thì chuyển sang giai đoạn 2.
>> Hiện chưa ai khẳng định được tên nhãn hiệu sữa nào là tốt nhất, tốt nhì..., loại sữa phù hợp với trẻ này chưa chắc phù hợp với trẻ khác do mỗi cơ thể có khả năng tiêu hoá – hấp thu khác nhau và mỗi trẻ có khẩu vị, sự vận động, bệnh lý khác nhau.
Vì vậy, sữa tốt nhất phải là loại sữa phù hợp với trẻ nhất. Nếu dùng một loại sữa trong một thời gian thấy bé tăng cân tốt, không dị ứng, đi tiêu phân tốt... thì loại sữa đó phù hợp với trẻ và nên duy trì. Ở trẻ nhỏ không nên đổi sữa thường xuyên.
Vấn đề thứ tư mình muốn đề cập là phân loại các loại sữa dành cho trẻ dưới 1 tuổi. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại sữa và dưới nhiều hình thức khác nhau.
1) Hình thức sữa: có 3 loại hình thức sữa
- Ready to feed (sữa công thức dưới dạng nước):
Dạo này mình thấy nhiều bà mẹ lầm lẫn sữa này với sữa tươi lắm. Nên lưu ý sữa tươi chỉ được dùng cho trẻ trên 1 tuổi thôi, còn dạng sữa nước đóng gói dưới hình thức này cho trẻ 4 tháng, 6 tháng, 8 tháng, v.v... vẫn là sữa công thức các bạn nhé.
Ví dụ minh họa là sữa Bledina gần đây rất được ưa chuộng ở Việt Nam dưới dạng hình thức này. Loại này không cần phải pha thêm nước gì cả và đã được vô trùng (sterile), khi khui ra chỉ việc cho bé uống ngay. Nó tiện lợi ở chỗ là không cần bảo quản lạnh trước khi mở hộp, rất thích hợp dùng cho bé trong bệnh viện mới sinh ra, hoặc đi ra ngoài, đi du lịch v.v.. đỡ cái khoản lích kích pha sữa các mẹ à.
>>Tuy nhiên mặt trái của nó là khá đắt, nên để dùng thường xuyên mỗi ngày thì không khả thi về mặt kinh tế.
- Concentrated liquid :
>Sữa công thức làm đặc đại loại như sữa Ông Thọ cho các mẹ dễ hình dung nha .
Loại này chưa được phổ biến ở VN mình nhưng nó cũng có mặt trên thị trường nước ngoài. Nó trái ngược với loại Ready-to-feed là bạn phải pha thêm nước. Loại này không được hiệu quả về mặt sử dụng cũng như về hiệu quả kinh tế nên ít được phổ biến rộng rãi.
Powder (dạng sữa bột rất được chuộng và phổ biến hiện nay): loại này thì hiệu quả kinh tế rẻ nhất so với 2 loại trên.
2) Phân loại sữa:
- Sữa bò:
Sữa giai đoạn 1 dành cho trẻ từ lúc sinh ra cho đến 1 tuổi (có tỷ lệ đạm casein:whey là 40:60, tỷ lệ này gần giống với tỷ lệ đạm trong sữa mẹ nhất) .
Sữa giai đoạn 2 (có tỷ lệ đạm casein: whey là 80:20) có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Thông thường sữa ở giai đoạn này cho thêm thành phần sắt (Iron), và các khoáng chất khác để phù hợp với sự phát triển cao hơn của cơ thể trẻ. Tên thương mại của sữa giai đoạn này là "Follow-on milk".
Sữa "Good night milk" là cũng là một dạng của sữa giai đoạn 2 nhưng trong thành phần có cho thêm bột ngũ cốc (cereal) để giúp bé ngủ ngon hơn vào giấc tối. Nói thì nói thế nhưng cũng chưa có bằng chứng cụ thể nào để khẳng định điều này các bạn à.
>> Gặp những hôm bé bệnh, bé quấy thì có cho uống loại sữa này vào thì ngủ cũng chẳng ngon.
Một điều lưu ý cho dòng sữa này đó là không được dùng cho trẻ dưới 6 tháng các bạn nha vì ngũ cốc chưa phù hợp với hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh trong giai đoạn này. Và lưu ý thứ hai đó là nếu con bạn có số cân quá chuẩn thì càng không nên cho dùng sữa này.
Có thể nói sữa này làm thêm phong phú cho sự lựa chọn để đa dạng mùi vị sữa cho bé, giúp bé đỡ ngao ngán vị sữa quen thuộc của mình thôi, chứ về mặt dinh dưỡng nó cũng chẳng khác biệt là bao.
- Sữa đặc trị dành cho trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp sữa bò.
Trẻ bị dị ứng sữa bò có nghĩa là protein trong thành phần sữa là nguyên nhân chính tạo ra phản ứng này đấy các mẹ à. Và nếu bé không chịu dung nạp sữa bò, đồng nghĩa với việc bé sẽ khó dung nạp đường lactose có trong sữa.
Loại sữa này vẫn được sản xuất dựa trên thành phần chính cũng là sữa bò nhưng protein trong sữa sẽ được thủy phân đi, vì thế bé sẽ hạn chế bớt sự dị ứng. Và điều hiển nhiên là loại sữa này thông thường là lactose-free nên các bé sẽ dễ dàng tiêu hóa khi uống sữa này.
>> Sữa này nên theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chứ đừng tùy tiện cho con uống các mẹ nhé.
-Sữa công thức đậu nành (Soya-based formula)
Lúc trước mình cũng như rất nhiều người mẹ khác cứ nghĩ khi bé bị dị ứng sữa bò thì nên thay sữa lactose-free là sữa đậu nành. Nhưng sau khi mình tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thì đó là nhận định sai lầm các mẹ ạ.
Thế này nhé, như mình đã nói ở trên, sữa lactose-free vẫn là sữa bò nhưng protein trong sữa hoàn toàn bị thủy phân để hạn chế sự dị ứng cho bé.
Còn sữa đậu nành công thức được sản xuất dựa trên thành phần đậu nành là chính và tất nhiên cũng được cho thêm các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác để phù hợp làm sữa công thức cho trẻ.
Một điều quan trọng mà tất cả chúng ta đều sai lầm đó là nếu bé đã dị ứng sữa bò thì cũng sẽ dị ứng sữa đậu nành luôn.
Vậy thì chúng ta thắc mắc sữa công thức đậu nành làm ra để làm gì? Xin thưa nó được sử dụng nghiêm ngặt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ khi bé không thể uống bất kỳ các loại sữa công thức nào cả, thì lúc đó sữa đậu nành là sự lựa chọn cuối cùng bác sĩ sẽ khuyên cho bé dùng.
Lý do thứ hai là nhiều bà mẹ trên thế giới tuân theo chế độ ăn chay, nên họ muốn con mình cũng theo chế độ này và bản thân họ không thể cho con uống sữa mẹ thì soy formula là sự lựa chọn tuyệt vời cho trẻ lúc này.
>> Một điều lưu ý nữa khi cho bé uống loại sữa công thức đậu nành là sữa này có thể làm hư hại răng của bé khá cao so với các loại sữa khác, lý do nó có chứa glucose syrup.
Đường glucose có hại nhiều hơn đường lactose cho răng của trẻ các mẹ nhé. Nên nếu bé nào đang uống các loại này thì các bạn nên có chế độ chăm sóc, theo dõi răng miệng đặc biệt hơn, kỹ càng hơn.
II. Sữa bột dành cho trẻ trên 1 tuổi.
Nói đến sữa dành cho trẻ ở độ tuổi này thì rất đa dạng sự lựa chọn. Quan trọng là con bạn thích uống loại gì và hợp với loại gì. Mình sẽ liệt kê ra tất cả các loại sữa cho độ tuổi này để các bà mẹ chúng mình có thể hình dung ra được nó phong phú ra sao, không kém gì các loại sữa dành cho trẻ dưới 1 tuổi đâu nha.
1) Sữa công thức .
Ở độ tuổi này được gọi là sữa Step 3 và Step 4 ở thị trường Việt Nam , nhưng ở nước ngoài thì nó có cái tên là Growing-up Milk hay Toddler Milk.
Sữa ở giai đoạn này về mùi vị nó sẽ không khác mấy so với giai đoạn 1 hay 2 mà trước đó bé đã dùng. Nhưng nó sẽ được gia tăng thêm các chất dinh dưỡng, và đặc biệt là hàm lượng sắt cao hơn nhiều mà cơ thể bé đòi hỏi cho sự phát triển ngày càng cao, đó cũng chính là lý do vì thế khi càng lớn các bé dễ bị táo bón.
Thật ra ở các nước đã phát triển thì qua giai đoạn 1 tuổi các bé không cần uống loại sữa này nữa mà sẽ chuyển qua whole cow milk nhé các mẹ. Nhưng ở VN thì đa số tâm lý vẫn còn chuộng cho trẻ uống sữa công thức ở giai đoạn này. Đó là do thói quen văn hóa và nhiều yếu tố khác.
2) Sữa bột nguyên kem (Whole cow milk powder):
Từ 6 tháng đến 1 tuổi, bé nhà bạn cần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức như là thức ăn chính của nó cùng với lượng thực phẩm giàu chất sắt để duy trì được cung cấp sắt cho trẻ. Chính vì thế nếu bé nhà bạn cho uống sữa này sẽ không có đủ chất sắt cho nhu cầu cơ thể.
Hơn nữa uống loại này sẽ làm rối loạn tiêu hóa của bé do hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, chưa đủ phát triển để hấp thu độ đạm trong loại sữa này nhé các mẹ ơi.
Cow's milk có đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn này. Loại này cung cấp protein, calcium, magnesium và Vitamin B12 & B2. Một đặc điểm của loại này nữa là bé nhà bạn biết đâu sẽ rất thích uống, nhất là những bé hồi còn dưới 1 tuổi rất ghét uống sữa công thức
Do sữa này rất thơm ngậy của kiểu full cream, nên mùi vị sẽ khác hẳn sữa công thức. Hơn nữa nó không có quá nhiều chất như sữa công thức nên nó sẽ giữ nguyên được hương vị ngon của sữa.
Các mẹ sẽ thắc mắc tại sao sữa này không nhiều chất dinh dưỡng bằng sữa công thức, đúng không? Vì khi bé trên 1 tuổi, bé sẽ tổng hợp dinh dưỡng qua đường ăn uống là chính, sữa chỉ là bữa phụ, chủ yếu cung cấp canxi.
Nếu các mẹ vẫn duy trì cho con uống sữa công thức ở giai đoạn này thì đa số các bé sẽ ăn ít hơn, ăn không ngon miệng bằng do trong sữa công thức đã cung cấp quá nhiều độ đạm, chất dinh dưỡng mà có trong ăn uống rồi.
Và có khi các bé sẽ hay bị táo bón vì lượng sắt trong sữa công thức bao giờ cũng nhiều. Còn khi chuyển qua sữa bột nguyên kem thì bé sẽ hạn chế táo bón hơn, ăn ngon miệng hơn và đến bữa ăn bé sẽ thích ăn hơn.
Mình chỉ nói đa số, chứ không phải nói hoàn toàn tất cả trường hợp, vì ngoài vấn đề sữa ra nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, rồi cơ địa mỗi bé lại khác nữa nên các mẹ lưu ý đọc kỹ vấn đề này nha.
3) Sữa tươi (fresh milk):
Khi bé mới chào đời, sữa mẹ là nguồn thức ăn hoàn hảo, tốt nhất giúp bé phát triển tốt, thông minh và khỏe mạnh. Trường hợp mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải cho bé uống sữa bột công thức thay thế chứ không cho bé uống sữa tươi.
Sữa tươi vẫn là một nguồn dinh dưỡng rất quý đối với trẻ, tuy nhiên so với sữa mẹ, thành phần của sữa tươi quá nhiều đạm gây quá tải cho thận (mà 88% là đạm casein rất khó tiêu với trẻ nhỏ).
Trong khi đó tổng đạm trong sữa mẹ chưa tới ½ đạm trong sữa bò tươi, với 30-40% là casein, chủ yếu 60-70% là đạm hòa tan whey giúp dễ hấp thu và phát triển hệ thống miễn dịch. Sữa mẹ giàu lactose giúp phát triển não, hệ khuẩn ruột, hấp thu canxi tốt, ngay cả thành phần sữa béo cũng có nhiều khác biệt.
Trong sữa tươi thành phần sắt rất thấp và khó hấp thu, do đó Tổ chức Y tế Thế giới khuyên không nên dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Nếu trẻ thiếu sắt trong những năm đầu đời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ về sau và tổn thương này có thể là vĩnh viễn không hồi phục.
>>> Dưới 12 tháng tuổi, bộ máy tiêu hóa của trẻ vẫn chưa thể chuyển hóa được các loại protein phức tạp trong sữa bò tươi.
Khi đó chúng không chỉ gây quá tải cho dạ dày và thận của bé, mà nhiều nghiên cứu còn cho thấy còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (nhất là tiền sử gia đình đã có người mắc bệnh này), trẻ còn dễ mắc các bệnh dị ứng như eczema(chàm), hen…
Vì vậy sữa tươi chỉ dùng được cho trẻ trên 1 tuổi, khi hệ tiêu hóa và thận của trẻ tương đối hoàn chỉnh, não đã phát triển khá, trẻ có thể nhận được các nguồn sắt, kẽm, vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết khác từ một chế độ ăn bổ sung đa dạng.
Sử dụng sữa mẹ là tốt nhất, nếu thiếu sữa mẹ thì bổ sung sữa công thức phù hợp với lứa tuổi. Khi trẻ lớn cần cho trẻ ăn một khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ chất, không thiếu sữa cũng như các sản phẩm từ sữa.
Còn việc phối hợp và chọn những loại thức ăn như thế nào để bé ngon miệng, nhận được đầy đủ dưỡng chất và phát triển tốt là nghệ thuất của cha mẹ.
>>> Một câu hỏi cũng được nhiều bà mẹ quan tâm: Uống sữa tươi có cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé hay không?
Trên 1 tuổi nếu bé được ăn đầy đủ các thức ăn khác từ các bữa cháo, cơm, súp hằng ngày, trẻ lên cân tốt không bị suy dinh dưỡng, không bị kém hấp thu do các nguyên nhân bất dung nạp sữa thì sữa tươi hoàn toàn có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé nếu trẻ uống 500 ml mỗi ngày.
Khi bé đang ở giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, các bé rất thích uống sữa tươi. Đây là giai đoạn cơ thể hình thành khối lượng xương và khung xương cho sự phát triển về tầm vóc cho trẻ cũng như việc phát triển bộ răng cho trẻ.
Do đó sữa rất cần thiết cho trẻ giai đoạn này. Một số phụ huynh cho rằng trẻ đã lớn không cần sữa là không đúng, vì sữa luôn cần thiết cho trẻ mọi lứa tuổi, kể cả người lớn cũng cần sữa.
Thành phần canxi trong một lít sữa tươi chiếm 1.200mg, trong sữa lượng có lượng protein cân đối, dễ tiêu hóa, có giá trị sinh học cao và đường lactose giúp cho sự hấp thu canxi và sự phát triển của vi khuẩn đường ruột.
Đứng về mặt khoa học thì sữa bột dùng cho trẻ lớn thực chất cũng làm từ sữa tươi nên khi chúng ta pha đúng tiêu chuẩn thì thành phần protid, lipid, glucid sẽ tương đương sữa tươi.
Trong giai đoạn từ 1 – 2 tuổi, các mẹ nên cho bé uống sữa tươi nguyên kem thay vì sữa gạn bớt kem hay sữa gầy. Bởi ở độ tuổi này, bé rất cần chất béo và năng lượng được cung cấp từ sữa.
Sau 2 tuổi, mẹ có thể cho bé uống sữa gầy, tùy theo sự phát triển của bé. Nhưng tốt nhất là mẹ vẫn tiếp tục cho bé uống sữa tươi nguyên kem cho đến khi bé được ít nhất 5 tuổi.
Nhiều người cho rằng uống sữa tươi dễ bị đau bụng do “lạnh bụng”. Điều này không đúng vì uống sữa đau bụng có rất nhiều lý do. Có thể do sữa không được chế biến và bảo quản tốt (sữa tươi chế biến thủ công trực tiếp từ các trang trại bò sữa, sữa quá hạn sử dụng) hoặc do cơ thể trẻ không dung nạp đường lactose có trong sữa.
Điều này xảy ra là do cơ thể trẻ thiếu men tiêu hóa sữa, do bỏ sữa lâu ngày hoặc do bản thân thiếu men. Trong trường hợp này thì
uống sữa nào cũng đau bụng chứ không phải chỉ dùng sữa tươi.
Những người uống sữa bị đau bụng nên tập uống sữa lại bằng cách uống ít một và uống khi no thì có thể giảm đi triệu chứng này. Nếu vẫn bị đau bụng thì có thể cơ thể chúng ta bị dị ứng với protein của sữa bò,
Trường hợp này thì các mẹ nên chọn các sản phẩm từ sữa thay thế như sữa đậu nành, hay sữa chua….
Sữa là nguồn thức ăn cần bổ sung hằng ngày cho trẻ, từ trên một tuổi nếu bé không thích uống sữa bột công thức có thể cho bé uống sữa tươi, trừ những trường hợp bé bị suy dinh dưỡng, bất dung nạp sữa… thì mới phải dùng các sữa công thức phù hợp theo chỉ dẫn của các bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng.
Hiện nay trên thị trường có hai loại sữa tươi được sản xuất theo hai công nghệ khác nhau: sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi thanh trùng. Người tiêu dùng do không hiểu rõ quy trình sản xuất và tính chất của từng loại sản phẩm nên dễ bị nhầm lẫn trong cách bảo quản và sử dụng, dẫn đến việc sản phẩm bị hư hỏng.
- Sữa tươi tiệt trùng:
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại sữa tiệt trùng và sữa này cũng rất phổ biến. Sữa tươi tiệt trùng thường được xử lý ở nhiệt độ cao (từ 120 - 1300C) trong khoảng thời gian 5 phút.
Sản phẩm có thể được bảo quản ở nhiệt độ bình thường và thường có thời hạn sử dụng từ 6 tháng đến một năm.
Do chế biến ở nhiệt độ cao, một số vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác có thể bị hao hụt, đặc biệt hương vị thơm ngon thuần khiết ban đầu của sữa bò tươi cũng thay đổi phần nào.
So với sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng có lợi điểm là không cần sử dụng đến tủ lạnh để tồn trữ sản phẩm. Thêm vào đó, sữa tiệt trùng còn thể tồn trữ được trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm ở nhiệt độ bình thường mà không cần chất bảo quản.
Đó là do tính năng của quy trình chế biến và đóng gói của công nghệ tiệt trùng, theo một hệ thống vô trùng khép kín.
Quá trình làm nóng và lạnh sản phẩm cực nhanh sẽ giúp tiêu diệt hay làm tê liệt khả năng hoạt động của các loại vi sinh vật gây bệnh, giúp thành phần hoá học của sữa ít biến đổi hơn quá trình chế biến thanh trùng truyền thống.
- Sữa tươi thanh trùng:
Sữa tươi thanh trùng theo công nghệ Pasteur được thanh trùng ở nhiệt độ 72 - 850C trong 15 giây để tiêu diệt các vi khuẩn có hại cho cơ thể, sau đó được làm lạnh đột ngột xuống 4 độ C.
Sản phẩm phải luôn được bảo quản ở 4 độ C nhằm tránh sự lên men sữa làm hư hỏng sản phẩm. Thời hạn sử dụng trong vòng 7 ngày nhưng khi đã mở nắp chai thì chỉ nên sử dụng trong hai ngày.
Do được xử lý ở nhiệt độ thấp và thời gian ngắn hơn nên sữa tươi thanh trùng giữ được hầu như toàn bộ các vitamin, khoáng chất quan trọng có trong sữa nguyên thủy và vẫn đảm bảo được hương vị thơm ngon đặc trưng của sữa bò tươi.
Khi bảo quản sữa tươi trong tủ lạnh, cần lưu ý đến nhiệt độ của từng ngăn khác nhau. Nhiệt độ ở khu vực tiếp giáp với cửa tủ lạnh thường cao hơn các khu vực khác, chỉ có ngăn sát với ngăn đá mới đạt được nhiệt độ ổn định = 4 độ C.
Nên luôn đặt sữa thanh trùng trong ngăn có nhiệt độ = 4 độ C để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
>>Trên thị trường Việt Nam hiện nay, chỉ còn một vài công ty sản xuất sữa thanh trùng trong đó có công ty sữa Long Thành, Vinamilk, Dalatmilk, Familk là ở trong miền Nam, còn ngoài miền Bắc thì có công ty sữa Mộc Châu, Ba Vì.
III. Sữa dành cho trẻ biếng ăn, bị bệnh mới dậy.
Trên thị trường hiện nay còn có loại sữa cho trẻ biếng ăn, sữa này chỉ nên dùng cho trẻ trên 1 tuổi trở đi.
Nghe qua khái niệm trị biếng ăn thì các mẹ đừng hiểu lầm là sau khi uống sữa này vào con mình sẽ hết biếng ăn nhé.
Khi bé bị bệnh, bé sẽ không ăn uống được, nên sau khi bé bệnh dậy, mình nên cho bé dùng loại này để bé khôi phục nhanh, bé không bị sụt cân nhiều. Vì năng lượng trong các loại sữa này rất cao, có thể thay thế 1 bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bé đấy.
Khi bé biếng ăn, lượng ăn hàng ngày của bé sẽ không được bao nhiêu, nếu mình không tìm cách khắc phục bù đắp sự thiếu hụt này cho bé ngày này qua ngày nọ thì sẽ dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng và càng ngày tệ hơn.
Cho nên nhà sản xuất sữa đã cho ra đời các sản phẩm này để bù đắp sự thiếu hụt đó cũng như khắc phục tình trạng này tùy theo từng thành phần có trong sản phẩm.
Để chọn được một sản phẩm dinh dưỡng có chất lượng tốt và phù hợp với bé, mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức căn bản về những thành phần có công dụng đặc thù hỗ trợ trẻ bị biếng ăn.
Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin về những dưỡng chất đặc thù trong các sản phẩm dinh dưỡng giúp mẹ dễ dàng chọn lựa cho mình một sản phẩm ưng ý:
1. Nhóm chất kích thích ngon miệng:
- Lysine: là 1 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, chỉ được cung cấp từ nguồn thực phẩm hằng ngày. Đặc biệt ở người Việt Nam do bữa ăn của chúng ta chiếm 70-80% là ngũ cốc nên thường thiếu hụt lysine
Lysine giúp gia tăng chuyển hóa, hấp thu tối đa dinh dưỡng, giúp trẻ ăn ngon miệng. Việc thiếu hụt chất này có thể khiến trẻ chậm lớn, biếng ăn, dễ thiếu men tiêu hóa và nội tiết tố.
- Zinc: chính là nguyên tố Kẽm đấy các mẹ ạ. Vì sao Kẽm lại quan trọng đối với trẻ? Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzym trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em.
Kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch,. Thiếu kẽm trẻ sẽ chậm lớn, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Vitamin nhóm B: đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Thiếu vitamin nhóm B sẽ dẫn đến những rối loạn chuyển hóa glucid, protein… , gây mất cảm giác ăn ngon miệng, dẫn đến chán ăn.
2. Nhóm chất hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ:
- Chất xơ hòa tan: nhắc đến hệ tiêu hóa chắc chắn các mẹ sẽ nghĩ ngay đến chất xơ phải không? Tuy nhiên chất xơ lại là những thực phẩm không mấy hấp dẫn đối với bé trong những năm đầu đời, do đó chọn lựa sản phẩm dinh dưỡng có bổ sung chất xơ hòa tan cho bé cũng là một điều các mẹ nên cân nhắc.
- Chủng lợi khuẩn: mới xuất hiện gần đây trên thị trường sữa Việt Nam, sản phẩm Dielac Pedia của Vinamilk là sản phẩm dinh dưỡng duy nhất có bổ sung chủng lợi khuẩn BB-12TM & LGGTM giúp tăng cường vi khuẩn có lợi trong hệ đường ruột, giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh.
3. Nhóm hệ dưỡng chất dễ hấp thu:
- Mẹ nên cân nhắc chọn các loại sữa có các nhóm dưỡng chất dễ hấp thu có lợi cho quá trình phát triển trí não và thể chất của bé trong những năm đầu đời, ví dụ như đạm sữa, đạm đậu nành và chất béo dễ hấp thu MCT và L-Carnitine có trong Dielac Pedia.
- Ngoài ra, Choline, DHA và Taurin là những thành phần cần thiết trong các sản phẩm sữa trẻ em hỗ trợ sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.
>> Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích được phần nào cho các mẹ trong quá trình chọn sản phẩm thích hợp nhất cho bé.
Nói về thị phần của loại sữa này thì mình biết có vài nhãn hiệu, như Pediasure của Mỹ, Dielac Pedia của VNM, Pedia Plus của Nutifood.
Đặc điểm chung của loại sữa này là khá ngọt và nếu bé nào có cơ địa bị táo bón thì lại càng dễ táo bón nếu dùng sữa này. Tuy nhiên không phải uống vào đều đáp ứng tốt với tất cả các bé. Nó còn phụ thuộc vào cơ địa từng bé. Nên các mẹ cân nhắc khi cho con sử dụng các sản phẩm này nhé.